.1 Làm sạch bằng phương pháp hóa học
Các dung môi thường được dùng để tẩy sạch dầu mỡ và các vật liệu khác tương tự. Dung môi còn lại trên bề mặt được làm sạch bằng cách lau chùi bằng bàn chải hay giẻ lau. Chất bẩn được loại bỏ bằng cách lau cẩn thận các vùng bị ảnh hưởng với vải thấm dung môi, vải bẩn không được nhúng lại vào dung môi. Quá trình làm sạch có thể được lặp lại bằng vải sạch và dung môi mới. Nhũ tương, hợp chất tẩy rửa, làm sạch bằng hơi hay các phương pháp và vật liệu tương tự cũng có thể được sử dụng. Khi dùng chất làm sạch dạng nhũ tương, xà phòng, hay thuốc tâỷ, sẽ hiệu quả cao hơn nếu dùng với nước sạch, nóng. Tiêu chuẩn SSPC SP – 1 bao gồm cả phương pháp dùng các chất này.
Làm sạch bằng hơi dung môi
Phương pháp này thích hợp với cả dây chuyền sản xuất hay hệ thống hoạt động liên tục. Làm sạch bằng hơi loại bỏ tất cả các chất bẩn hòa tan nhưng không thể loại bỏ lớp oxit tự nhiên. Nếu lớp này phải loại bỏ nên sử dụng phương pháp làm sạch cơ học. Phần phải làm sạch là vùng hơi bão hòa khi đun nóng dung môi làm dung môi ngưng tụ trên bề mặt kim loại. Tẩy nhờn bằng hơi không loại bỏ được các hạt vật liệu, những vị trí đó nên dùng giẻ lau để loại bỏ các hạt không tan. Tẩy nhờn bằng hơi thuận tiện hơn lau bằng dung môi, vì khi dùng dung môi nóng thì sự ngưng tụ dung môi để loại bỏ dầu sẽ không làm bẩn lại.
2 Làm sạch bằng dụng cụ cầm tay
Phương pháp này dùng để loại bỏ các lớp gỉ lỏng lẻo, gỉ sắt, các màng sơn cũ, mối hàn chảy, hạt gỉ sắt trên mặt kim loại khi chải bằng tay, đánh bằng cát hay cạo bằng dây kim loại, hay bàn chải lông cứng, giấy ráp, búi thép, hay đục bằng búa. Vật liệu bám dính chặt nếu nó không bị tách khỏi bề mặt có thể làm sạch bằng dao trét. Chi tiết được quy định trong tiêu chuẩn SSPC, TCVN 8790:2011 hoặc các tiêu chuẩn tương tự. Tiêu chuẩn quan sát SSPC-VIS 3 được sử dụng để theo dõi tính chính xác của quá trình.
Làm sạch bằng dụng cụ cầm tay yêu cầu tất cả xỉ hàn, nhựa đường, dầu mỡ và chất bẩn dạng dầu mỡ phải được làm sạch bằng dung môi trước.
Bàn chải sắt phải đủ cứng để làm sạch hoàn toàn bề mặt, và có hình dạng thích hợp để làm sạch được các góc và khớp nối. Bàn chải phải được giữ sạch tránh các vật liệu bám vào bề mặt bàn chải gây cản trở quá trình làm sạch.
Dụng cụ dùng để cạo phải được làm bằng thép, được tôi và giữ được cạnh sắc, phải có kích thước thích hợp và hình dạng thuận lợi cho việc làm sạch. Dụng cụ cạo luôn luôn phải giữ được độ sắc của lưỡi.
3 Làm sạch bằng máy
Phương pháp này sử dụng để làm sạch các ba via lỏng lẻo, gỉ sắt, sơn hỏng và các mối hàn trên bề mặt kim loại nhờ các bàn chải dùng điện, dụng cụ sử dụng năng lượng, máy mài, máy phun cát, hay kết hợp các phương pháp trên. Vật liệu được xếp loại bám dính chặt nếu nó không thể tách ra với dao trét. Tiêu chuẩn SSPC-SP 3 cung cấp các đặc điểm chi tiết cho thiết bị làm sạch bằng điện. Có thể tham khảo Tiêu chuẩn SSPC-VIS 3 để đưa ra quyết định.
Thiết bị làm sạch sử dụng năng lượng (điện) yêu cầu tất cả dầu mỡ, muối hàn và các chất bẩn khác phải được làm sạch trước với dung môi. Làm sạch bằng dụng cụ cầm tay phù hợp có thể được sử dụng trước khi làm sạch bằng máy.
Tất cả các phụ kiện phải thích hợp với loại hình dạng vật cần làm sạch và giữ sạch để tránh bị cản trở quá trình chải hay làm mất hiệu quả hoạt động của thiết bị. Tất cả các vị trí va chạm đều phải giữ được độ sắc.
4. Làm sạch kim loại trần (bare metal surface) bằng thiết bị sử dụng năng lượng (điện)
Phương pháp này dùng để làm sạch toàn bộ sơn phủ, gỉ và gỉ vảy…. Thiết bị làm sạch sử dụng năng lượng (điện) bao gồm: các bánh và đĩa mài mòn, đĩa phủ lớp mài hay giấy ráp, bánh đà phủ lớp mài và băng mài. Tiêu chuẩn SSPC – SP11 mô tả chi tiết các đặc điểm khi làm sạch bề mặt kim loại trần bằng thiết bị sử dụng năng lượng (điện).
Phụ thuộc vào điều kiện ban đầu của bề mặt và điều kiện mặt cắt hiện có, có thể cần 1 hoặc cả hai loại thiết bị điện. Tất cả dầu mỡ, muối hàn, và chất bẩn khác phải loại bỏ trước bằng dung môi, làm sạch bằng dụng cụ cầm tay hay làm sạch bằng thiết bị sử dụng năng lượng (điện) trước khi làm sạch kim loại trần bằng thiết bị sử dụng năng lượng (điện) theo phương pháp trên
Tất cả các phụ kiện phải thích hợp với loại hình dạng vật cần làm sạch và giữ sạch để tránh bị cản trở quá trình chải hay làm mất hiệu quả hoạt động của thiết bị. Súng phun kim (needle gun) yêu cầu đường kính lỗ kim 2mm để tạo ra hình dạng bề mặt thích hợp.
Bề mặt cuối cùng phải là kim loại trần, sáng. Phần mỏng còn lại của gỉ hay sơn phủ có thể còn lại trong các lỗ (nếu như bề mặt có các lỗ). SSPC VIS 3 là tiêu chuẩn so sánh cho trường hợp này.
5 Làm sạch bằng phun hạt mài
Phương pháp này sử dụng để làm sạch sơn phủ, gỉ và các gỉ cán thép trên bề mặt kim loại và tạo cho bề mặt kim loại trở nên thô ráp bằng cách sử dụng thiết bị phun áp lực để phun các hạt mài nhỏ, cứng như cát khô, mạt đá hay bi thép lên bề mặt cần làm sạch.
Phương pháp này sử dụng không khí nén, đầu phun đặc biệt, và hạt mài. Có thể đưa nước vào trong dòng khí để giảm bụi. Các phương pháp khác sử dụng chủ yếu trong các công xưởng chế tạo, các bánh đẩy tạo ra lực ly tâm đẩy các hạt mài vào vật liệu. Kích thước lớn nhất và nhỏ nhất của hạt mài sẽ ảnh hưởng đến độ nhám bề mặt.
Bề mặt phải được làm sạch dầu mỡ, muối hàn bằng dung môi trước khi phun cát. Thiết bị phun cát có trang bị bộ lọc để loại bỏ nước ngưng tụ hay dầu. Kiểm tra không khí nén được hướng dẫn tại ASTM D4285.
Hệ thống phun cát nên được thực hiện sao cho phần nền của bề mặt không bị phá hủy. Phun cát thường được thực hiện từ trên xuống dưới của cấu trúc và chỉ nên thực hiện thuận chiều gió trong các vùng đã được sơn. Hệ thống phun cát khô không nên thực hiện ở các bề mặt sau khi phun cát bị ẩm.
Hiệu quả của phương pháp phun cát theo yêu cầu thường thấp nhất bằng với yêu cầu kỹ thuật xử lý bề mặt thích hợp và tuân theo tiêu chuẩn ảnh (atlat). Tiêu chuẩn của ASTM, SSPC, và Hiệp hội quốc tế về Kỹ thuật ăn mòn (NACE) được đưa ra ở bảng dưới. Chú ý Tiêu chuẩn xử lý bề mặt mô tả ở ASTM -D 2200 được chia làm 2 phương pháp. Phương pháp A giải thích tiêu chuẩn trên ảnh theo ISO Pictorial Surface Preparation Standards (TC chuẩn bị bề mặt theo tranh ảnh – tương tự TCVN 8790:2011 ). Phương pháp B giải thích tiêu chuẩn trên ảnh theo SSPC. 2 bộ ảnh không được so sánh trực tiếp (không tương ứng)
Kiểm soát kỹ những vết bẩn dầu mỡ hay bất kỳ vết bẩn nào trên bề mặt trước khi phun. Khi phun cát, tất cả các chất bẩn phải được loại bỏ bằng dung môi. Bề mặt được phun phải khô, được chải với bàn chải sạch, thổi với không khí khô không có dầu và hơi ẩm, hay làm sạch bằng hút chân không để làm sạch tất cả các bụi bẩn do quá trình thổi còn lưu lại trên bề mặt đồng thời để làm sạch những vị trí góc cạnh mà thiết bị phun cát không xử lý được.
Bề mặt sau khi đã làm sạch bằng phun cát phải được sơn lót ngay trong ngày, thích hợp nhất là trong khoảng thời gian 8 h sau khi phun, hoặc trong lúc chưa có bất kỳ vết gỉ nào xuất hiện. Nếu xuất hiện gỉ hoa trên bề mặt thì phải phun cát làm sạch lại.
6 Làm sạch bằng phun nước áp lực cao
Cần sử dụng nước sạch, có hoặc không có hạt mài mòn, được sử dụng xen kẽ nhau để phun với mục đích giảm thiểu lượng bụi vào không khí. Áp suất vòi phun phải lớn hơn 137900 KPa để có thể loại bỏ toàn bộ lớp sơn cũ nếu như chỉ dùng nước. Việc phun nước áp suất cao không kết hợp hạt mài mòn không thể loại bỏ via cán hay các bề mặt thép có nhám thép đã gắn chặt. Bề mặt phải khô hay được làm khô trước khi sơn. Tiêu chuẩn SSPC SP -12 /NACE 5 đưa ra các định nghĩa về các mức độ sạch có thể khi sử dụng nước áp lực cao.